Lợi khuẩn và những lợi ích bất ngờ

Rối loạn tiêu hóa là những biểu hiện bất thường ở hệ tiêu hóa thường gặp ở cả trẻ nhỏ và người lớn. Những triệu chứng điển hình của nó bao gồm tiêu chảy, táo bón, đau bụng, khó tiêu, … do mất cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột, dẫn đến rối loạn vi khuẩn đường ruột. Bạn đọc hãy cùng nhà thuốc Trường Thọ tìm hiểu về bổ sung lợi khuẩn đường ruột để có một hệ tiêu hóa khỏe mạnh nhé!

Rối loạn tiêu hóa gây khó chịu cho trẻ

Hệ tiêu hóa và hệ vi sinh vật đường ruột

Hệ tiêu hóa bao gồm miệng, hầu, thực quản, dạ dày, ruột non, ruột già và các tuyến đi kèm như tuyến nước bọt, tụy, gan. Nhiệm vụ của hệ tiêu hóa là biến đổi thức ăn thành các chất có thể hấp thu qua niêm mạc ruột vào máu, bổ sung dưỡng chất, năng lượng cho hoạt động của cơ thể và bài tiết các chất cặn bã.

Có hơn 400 loài vi sinh vật đường ruột với tổng lượng vi khuẩn đường ruột lên tới 100 trillions, gấp 10 lần số tế bào của cơ thể. Từ khi sinh ra, các vi sinh vật xâm nhập vào đường tiêu hóa trẻ sơ sinh từ người mẹ, môi trường, không khí và dần phát triển cùng với phương thức nuôi dưỡng trẻ. Từ 2 tuổi  trở lên, hệ vi sinh vật đường ruột của trẻ sẽ phát triển gần giống với người lớn và tiếp tục thay đổi. Hệ vi khuẩn đường ruột thường bao gồm 85% vi sinh vật có lợi và 15% vi sinh vật gây bệnh

Hệ vi khuẩn đường ruột

Vi sinh vật có lợi

Một số loại vi khuẩn đường ruột có lợi như Bacillus clausii, Lactobacilli, Bifidobacteria, Clostridium butyricum,… Vai trò có lợi của những vi khuẩn này bao gồm:

  • Tổng hợp vitamin: Giúp sản xuất một số như Vitamin B, vitamin K
  • Hỗ trợ tiêu hóa và hấp thu: Giúp tiêu hóa một số thực phẩm mà dạ dày và ruột non chưa tiêu hóa được. Bacillus subtilis tạo ra men amylase, xúc tác cho phản ứng thuỷ phân các liên kết a – 1,4 glucosid của các polysaccharid như tinh bột, glycogen.
  • Tăng cường hệ miễn dịch: BifidobacteriaLactobacilli là hai loại vi khuẩn quan trong trong việc tăng hệ miễn dịch cho đường ruột. Nó kích thích tế bào lympho B tăng cường sản xuất kháng thể, kích thích sản xuất interleukin, kích thích tạo kháng thể IgA
  • Ngăn ngừa nhiễm khuẩn: Chống lại sự tấn công từ các vi sinh vật khác, bảo vệ niêm mạc ruột. Lactobacillus sporogenes tạo ra acid lactic, acid hoá đường ruột và ngăn ngừa được sự phát triển của các vi khuẩn gây thối rữa

Vi khuẩn gây hại

Có thể kể đến một số các vi khuẩn gây hại như E. coli, Staphylococcus, Bacteroides, Clostridium,… Những vi khuẩn gây hại này gây ra các chất hoại tử như NH3, H2S, phenol, indol,… Kích thích tạo ra các hợp chất gây ung thư, sản sinh độc tố gây ra các bệnh lý liên quan. Ví dụ:

  • E. coli là vi khuẩn sống cộng sinh, chiếm 80% vi khuẩn ở ruột. Bình thường E. coli không gây bệnh,  tổng hợp một số vitamin và giữ cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột, chỉ có một số chủng có độc mới có khả năng gây bệnh. Khi sức đề kháng cơ thể bị suy giảm, là cơ hội cho E. coli độc gây bệnh như viêm dạ dày ruột, nhiễm khuẩn
  • Shigella gây bệnh lỵ trực khuẩn và viêm ruột
  • Salmonella gây bệnh thương hàn

Rối loạn hệ vi sinh vật đường ruột và những điều cần biết

Nguyên nhân gây rối loạn đường ruột

  • Chế độ ăn không cân đối: Sử dụng thực phẩm ô nhiễm, thực phẩm chứa chất độc hại, những chất độc khi đến đường tiêu hóa sẽ tấn công hệ tiêu hóa, gây rối loạn đường ruột.
  • Sử dụng thuốc không hợp lý: Sử dụng kháng sinh trực tiếp hay gián tiếp đều sẽ gây rối loạn hệ vi khuẩn đường ruột
  • Một số bệnh lý: Ngộ độc thực phẩm, hóa trị liệu, tẩy rửa đường tiêu hóa
  • Stress, làm việc quá mức
  • Uống nhiều rượi bia
  • Sự lão hóa

Những yếu tố trên làm mất cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột, làm chết các vi khuẩn có lợi , nguy cơ tăng cao các vi khuẩn có hại

Hậu quả khi rối loạn hệ vi sinh đường ruột

Khi bị rối loạn đường ruột sẽ dẫn đến những hệ quả sau đây: Sình hơi, tiêu chảy thường xuyên, táo bón, mệt mỏi thường xuyên, đau dạ dày, suy giảm miễn dịch, có thể dẫn đến ung thư

Bổ sung lợi khuẩn – probiotics

Probiotics là gì?

Probiotics là chế phẩm chứa các vi sinh vật có lợi (lợi khuẩn), mà khi đưa vào cơ thể một lượng đủ sẽ có tác động có lợi cho sức khỏe cho người sử dụng.

Probiotics sẽ giúp cải thiện hệ vi sinh vật đường ruột, ức chế sự hình thành các chất độc. Ngoài ra nó còn giúp cải thiện tình trạng không dung nạp lactose, cải thiện những rối loạn và bệnh của ruột, giảm hàm lượng cholesterol, giảm nguy cơ các bệnh tim mạch. Các chế phẩm này giúp điều hòa hệ miễn dịch, tổng hợp vitamin, giảm dị ứng và cải thiện sự hấp thu chất khoáng.

Tác dụng của Probiotics

Những tác dụng của probiotics gồm có:

  • Hỗ trợ tiêu hóa: Làm sạch đường tiêu hóa bằng cách xâm nhập vào lớp đáy chất thải bám trên thành ruột và đẩy chất thải tích tụ ra khỏi thành ruột. Các lợi khuẩn giúp phân hủy các hydratcarbon thành các dưỡng chất cơ bản cho cơ thể hấp thu.
  • Tổng hợp các men tiêu hóa và vitamin:  Tăng hoạt lực các vitamin B, K và sản xuất các men lactase, acid béo và calci. Probiotics tổng hợp ra lactoferin trong quá trình chuyển hóa, giúp cơ thể tăng hấp thu sắt
  • Tăng hệ thống miễn dịch: Hỗ trợ điều trị dị ứng, viêm nhiễm. Đặc biệt nó hỗ trợ điều trị ung thư bởi có thể thay đổi môi trường ở ruột, giảm chuyển các vi sinh vật tạo chất gây ung thư, sản xuất các chất ngăn cản tăng trưởng phát triển khối u
  • Ức chế các vi sinh vật có hại: Các chế phẩm bổ sung lợi khuẩn có thể làm giảm pH dưới mức độ mà các vi sinh vật có hại có thể phát triển; tạo ra các hợp chất kháng khuẩn để ức chế và tiêu diệt vi sinh vật có hại; cạnh tranh vị trí gắn lên nội mô ruột; kích thích sự hình thành kháng thể IgA chống lại vi sinh vật gây bệnh
  • Probiotics có khả năng làm nhu động đại tràng mềm mại hơn, chống táo bón, giảm tiêu chảy

Bổ sung lợi khuẩn như thế nào là đúng cách?

Hiện nay các sản phẩm chứa lợi khuẩn rất phong phú và đa dạng về chủng loại vi khuẩn, dạng bào chế.

  • Lựa chọn loại lợi khuẩn và chất lượng: Một probiotic đạt chất lượng phải có khả năng duy trì lượng vi khuẩn ổn định; đảm bảo an toàn và hiệu quả qua các thử nghiệm chứng minh tính an toàn của nó; có thể kháng dịch vị dạ dày và dịch mật, tiến đến ruột non vẫn sống và có khả năng phát triển trong ruột để thực hiện chức năng của mình. Trong các loại vi sinh vật thì Bifidobacteria, Lactobacilli và Enterococci có khả năng kháng acid dạ dày cao hơn các loại vi khuẩn khác. Chủng Bacillus clausii đã được chứng minh về tính an toàn của nó, được WHO khuyên dùng.
  • Thời điểm sử dụng probiotic: Chưa có bằng chứng nào chỉ rõ nên uống probiotic khi bụng rỗng hay ăn cùng với thức ăn. Một số nghiên cứu về khuẩn Bifidobacteria, Lactobacilli cho thấy chúng tồn tại tốt nhất khi được sử dụng trước bữa ăn 30 phút. Ngoài ra một nghiên cứu khác về khuẩn Saccharomyces boulardii thì chúng tồn tại như nhau khi sử dụng lúc bụng rỗng hay khi bạn vừa ăn no.
  • Tình trạng sức khỏe: Nếu bạn đang ở một tình trạng bệnh lý nào đó, cần xem xét và tham khảo ý kiến chuyên gia để tìm ra chủng loại probiotic phù hợp. Một số người sử dụng probiotic để ngừa tiêu chảy do kháng sinh.
  • Tác dụng không mong muốn: Việc sử dụng probiotic gần như không gây tác dụng phụ nào. Một số người có thể gặp triệu chứng đầy hơi, xì hơi nhưng dần theo thời gian sẽ được cải thiện.

Hy vọng bài viết trên có thể giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về hệ vi sinh vật đường ruột cũng như những lợi ích mà probiotic mang đến cho hệ tiêu hóa con người. Tuy việc sử dụng lợi khuẩn thường được xem là an toàn, nhưng bạn đọc vẫn luôn cần tham khảo ý kiến chuyên môn trước khi sử dụng, vừa đạt được hiệu quả cũng như tránh những tác dụng không mong muốn. Bạn đọc có những thắc mắc hay cần tư vấn về lợi khuẩn cũng như các sản phẩm bổ sung lợi khuẩn đừng ngần ngại gọi hoặc inbox cho Nhà Thuốc Trường Thọ

Gọi để được tư vấn

Inbox nhà thuốc

    Trả lời

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

    Menu