No products in the cart.
Nhiệt miệng (loét miệng) là tình trạng thường gặp ở nhiều người, thường tự khỏi sau 7-10 ngày. Mặc dù các vết nhiệt miệng không nguy hiểm, chỉ ảnh hưởng đến ăn uống hằng ngày nhưng nếu tình trạng kéo dài và thường xuyên thì bạn thực sự nên để tâm rồi đấy!
1. Dấu hiệu nào để biết bạn bị nhiệt miệng?
Nhiệt miệng là một trong những tình trạng viêm loét miệng. Vị trí viêm là những mô mềm trong miệng như bên trong má, nướu, dưới lưỡi, môi. Tại đây các vết loét nhỏ, nông có màu trắng, gần như vàng, viền quanh màu đỏ khiến chúng ta thấy đau, ngứa rát và khó chịu.
Triệu chứng của nhiệt miệng thường bắt đầu với một hay nhiều đốm có kích thước nhỏ 1-2 mm, hình tròn hay bầu dục có màu trắng hay hơi vàng, bờ rõ rệt. Lâu dần đốm trắng sẽ to dần, mọng nước và vài ngày sau sẽ vỡ ra tạo ra vết loét. Lúc này chúng ta thường thấy nhức đau, xót, vết loét tẩy đỏ, khó chịu khi nói, ăn uống hay vô tình chạm phải.
Các vết loét thường sẽ tự khỏi sau 7-10 ngày, khi mà các vết loét chuyển sang màu trắng và đỡ đau là lúc bệnh đã giảm. Nhưng một số trường hợp bị nặng thì vết loét có thể gây viêm cấp, tẩy đỏ, đau hơn bình thường, thậm chí sốt, nổi hạch, rối loạn tiêu hóa.
2. Nguyên nhân dẫn đến loét miệng
Theo như dân gian, nhiệt miệng được cho là do nhiệt độc, là bởi tâm, can, tỳ, vị, thân mà sinh ra, thường là do tỳ vị (do ăn uống). Cũng có cách lý giải khác cho nhiệt miệng là bởi thiếu các chất dinh dưỡng, rối loạn nội tiết tố, nhiễm khuẩn răng miệng,…
Dưới đây là những nguyên nhân cụ thể được cho là dẫn tới nhiệt miệng:
- Thiếu vitamin và dưỡng chất: Vitamin B12, C, acid folic, kẽm, sắt
- Rối loạn nội tiết tố: Do đang mang thai, thời kì mãn kinh, kỳ kinh nguyệt hay tình trạng căng thẳng mệt mỏi thời gian dài.
- Tổn thương ở khoang miệng: Đánh răng mạnh quá gây xước, chảy máu; vô tình cắn vào má gây tổn thương hình thành vết loét
- Đồ ăn: Ăn đồ ăn quá cay, nóng tổn thương niêm mạc miệng hoặc dị ứng với một số thức ăn như cà phê, phô mai, các loại hạt,…
- Hệt thống miễn dịch suy yếu: Người bị HIV,..
- Bênh lý: Một số bệnh lý khác có thể dẫn đến nhiệt miệng như viêm ruột, viêm đại tràng, rối loạn tự miễn dịch Celiac, bệnh tự miễn Behcet
- Do virut và vi khuẩn có hại gây nên
3. Chữa nhiệt miệng như thế nào?
Nhiệt miệng không gây nguy hiểm nhưng mang lại nhiều khó chịu trong ăn uống, nói chuyện, sinh hoạt hằng ngày. Bạn có thể tham khảo những biện pháp dưới đây để giảm bớt những triệu chứng, nhanh lành bệnh nhiệt miệng:
- Súc miệng hằng ngày bằng nước muối pha loãng nhằm hạn chế các vi khuẩn phát triển ở vết loét
- Súc miệng với công thức 1 muỗng cà phê baking soda, 2 muỗng nước ép nha đam, nửa ly nước ấm. Súc miệng liên tục 10 giây mỗi ngày và nhổ ra, không được nuốt
- Sử dụng các thuốc điều trị cho viêm loét miệng theo chỉ định thăm khám. Đa phần là các nhóm thuốc giảm đau, kháng viêm, nhanh chóng làm lành các vết loét
- Hạn chế các đồ ăn kích thích: Đồ ăn quá cay, nóng, các món nướng, rán sẽ làm tình trạng bệnh nặng hơn
- Chườm lạnh tại vị trí vết thương có thể giảm đau và sưng. Bạn có thể đặt viên đá nhỏ để chườm lạnh sẽ làm dịu các cơn đau và viêm
Một số biện pháp dân gian bạn có thể tham khảo:
- Sử dụng bã trà, bã chè: Trong trà, chè có chứa tannin có tác dụng giảm đau, giảm viêm. Do đó khi đắp bã trà, chè vô vết thương sẽ giúp giảm đau, khó chịu
- Dùng mật ong: Mật ong hoặc mật ong trộn với bột nghệ rồi thoa vào chỗ bị loét trong miệng. Mật ong có tác dụng kháng khuẩn, nghệ kháng viêm sẽ giúp vết loét nhanh bình phục, kích thích các mô phát triển.
- Khế chua: Giã 2-3 quả khế chua, đổ ngập nước và đun sôi. Để nước khế chua nguội thì chia ra nhiều lần trong ngày để ngậm và nuốt dần.
Trong một số trường hợp nhiệt miệng nặng, các vết loét kéo dài và lặp lại thường xuyên thì bạn nên đi khám để tìm rõ nguyên nhân, xác định tình trạng bệnh.
Cách phòng tránh mắc loét miệng
Dù bệnh nhiệt miệng có nhiều cách điều trị, nhưng mang lại nhiều cảm xúc tiêu cực, khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày. Trong khi đó, chúng ta có thể dễ dàng hạn chế các yếu tố nguy cơ mắc bệnh, ngăn ngừa khả năng mắc bệnh hiệu quả.
Một trong những mẹo phòng ngừa mắc nhiệt miệng được kể sau:
- Chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, khoáng chất: Bổ sung đủ vitamin B12, C, acid folic, kẽm, sắt,
- Tránh các thực phẩm gây kích ứng, dị ứng miệng, hạn chế các đồ ăn cay nóng, dầu mỡ
- Vệ sinh răng miệng sạch sẽ và nhẹ nhàng. Bạn nên sử dụng bàn chải mềm ngăn ngừa kích ứng các mô mềm mỏng trong miệng
- Dành thời gian nghỉ ngơi hợp lý, tránh làm việc quá sức
- Giảm căng thẳng, stress trong cuộc sống
- Tập thể dục đều đặn cải thiện sức khỏe, cân bằng trong cuộc sống
- Tập cái bài tập yoga, thái cực quyền, bài thiền
Đối với thời tiết nắng nóng ở Việt Nam thì nhiệt miệng là tình trạng khá phổ biến. Hy vọng sau bài viết này sẽ giúp các bạn có thêm những kiếm thức bổ ích để phòng ngừa và điều trị hiệu quả tình trạng này. Nếu các bạn có bất cứ thắc mắc nào xung quanh vấn đề nhiệt miệng thì đừng ngần ngại, hãy liên hệ với Nhà Thuốc Trường Thọ ngay để được giải đáp thắc mắc nhé.