Gout và những điều bạn nên biết

Theo thống kê ở Việt Nam, trong các bệnh lý về cơ-xương khớp thì gout đứng thứ 3 về số lượng bệnh nhân và đang có xu hướng ngày càng gia tăng, trẻ hóa. Vậy bệnh gout (bệnh gút) là gì? Nguyên nhân và triệu chứng của nó là gì?

Bệnh gout là gì?

Gout là bệnh lý do rối loạn chuyển hóa nhân purin, làm tăng acid uric máu, thuộc nhóm bệnh rối loạn chuyển hóa. Khi acid uric ở nồng độ quá bão hòa sẽ lắng đọng trong các sụn khớp gây ra viêm, đau khớp.

Lắng đọng acid uric trong khớp

Lắng đọng acid uric trong khớp

Acid uric máu có từ đâu?

Trong cơ thể người, acid uric máu được sinh ra do quá trình chuyển hóa ở gan, ruột của purin-thành phần cấu tao nên DNA,RNA:

  • Nguồn ngoại sinh: purin có sẵn trong thức ăn như thịt, cá,..
  • Nguồn nội sinh: purin được sinh ra trong quá trình phá hủy tế bào của cơ thể

Mỗi ngày, acid uric sẽ được đào thải chủ yếu qua thận (khoảng 2/3 lượng acid uric) và 1/3 qua ruột.

Chỉ số acid uric máu được xác định dễ dàng thông qua xét nghiệm máu. Nồng độ acid uric máu bình thường:

  • Nam trưởng thành: 180-420 micromol/lit (3-7 mg/dL).
  • Nữ trưởng thành: 150-360 micromol/lit (2,5-6 mg/dL).

Nếu như nồng độ vượt quá ngưỡng cho phép này thì sẽ được gọi là tăng acid uric máu. Hàm lượng acid uric máu cao chưa hẳn là bị bệnh gout nhưng là tiền đề của bệnh gout.

Nguyên nhân tăng acid uric máu

Có nhiều nguyên nhân gây nên tăng aci uric, chia làm 2 nhóm nguyên nhân là tăng tổng hợp acid uric và giảm thải trừ qua thận.

Nguyên nhân gây bệnh gout

Nguyên nhân gây bệnh gout

Tăng tổng hợp acid uric

  • Chế độ ăn nhiều purin: thịt đỏ (như chó, bò dê…), phủ tạng động vật, tôm cua, hải sản, đậu hạt các loại, nấm, măng tây…
  • Uống nhiều rượu bia
  • Yếu tố di truyền: đây là nhóm bệnh nhân hiếm gặp do thiếu hụt Glucose-6-phosphate (bệnh Gipke), hay enzyme HGPRT (hypoxanthine-guanine phosphoribosyltransferase) gây bệnh Lesch-Nyhan.
  • Do các bệnh lý làm phá hủy tế bào quá mức: bệnh đa u tủy xương, bệnh vẩy nến, bệnh bạch cầu, sử dụng hóa chất độc tế bào điều trị bệnh ung thư

Giảm thải trừ acid uric

  • Do thuốc: nhiều thuốc có thể làm giảm bài xuất acid uric như corticoid, thuốc lợi tiểu (furosemide), aspirin, thuốc chống lao (Ethambutol, Pyrazinamid..)…
  • Do các bệnh lý làm chức năng thận suy giảm đào thải acid uric như: suy thận, nhiễm toan ceton trong đái tháo đường, tăng huyết áp
  • Bệnh nhân nghiện rượu

Diễn biến của bệnh gout

Sự phát triển của bệnh gout bao gồm 4 giai đoạn:

  •  Tăng acid uric máu đơn thuần (nam > 7 mg/dl và nữ > 6 mg/dl)
  • Cơn gout cấp đầu tiên
  • Khoảng cách giữa các cơn viêm gout cấp
  • Viêm khớp gout mạn

Bệnh Gout cấp tính

Gout cấp thường tấn công đột ngột vào ban đêm khiến bệnh nhân thức dậy vì đau dữ dội ở khớp.

Gout cấp tính

Gout cấp tính

Các cơn gout cấp có đặc điểm như sau:

  • Chủ yếu diễn ra ở khớp ngón chân cái (60-70%)
  • Khớp sưng to, đỏ, phù nề, căng bóng, nóng, đau dữ dội và ngày càng tăng, va chạm nhẹ cũng rất đau.
  • Người bệnh có thể sốt đến 38-38,5 độ C kèm rét run, mệt mỏi.
  • Các dấu hiệu viêm có thể kéo dài nhiều ngày, thường sau 5-7 ngày dấu hiệu viêm giảm dần, không để lại di chứng.
  • Cơn gout cấp dễ tái phát, khoảng cách từ vài tháng đến vài năm, có khi >10 năm.
  • Lúc đầu chỉ viêm một khớp, sau đó có thể viêm nhiều khớp, thay đổi thứ tự: bàn chân, cổ chân, gối, bàn tay, cổ tay, khuỷu; hiếm thấy ở khớp hang, vai, cột sống.
  • Ngoài khớp ra thì bao khớp, túi thanh dịch cũng bị tổn thương, gây viêm.
  • Bên cạnh các thể điển hình, một số bệnh nhân viêm sung tấy nhưng đau ở thể nhẹ, kín đáo, dễ bị bỏ qua
  • Các yếu tố thuận lợi: Các cơn gout cấp thường xuất hiện sau bữa ăn có nhiều thịt (nhất là loại thịt có nhiều purin), uống rượu, gắng sức, bị lạnh đột ngột, chấn thương, phẫu thuật, nhiễm khuẩn,… làm cho các phân tử acid uric lắng đọng ở các tổ chức.

Bệnh Gout mạn tính

Sau khi các đợt gout cấp kết thúc, nhiều người cho rằng bệnh đã khỏi hẳn nhưng thực tế các tinh thể muối urat vẫn tiếp tục lắng đọng. Sau một khoảng thời gian (10-20 năm) các cơn viêm khớp cấp xảy ra liên tiếp và không khi nào dứt cơn, tiến triển thành gout mạn tính. Bệnh gout mạn tính có những đặc điểm sau:

  • Tần suất các cơn đau dày đặc, mức độ đau dữ dội hơn so với gout cấp
  • Các cơn đau diễn ra từ từ và lâu hơn so với gout cấp tính
  • Viêm nhiều khớp, có thể đối xứng, gây ra những tổn thương vĩnh viễn như biến dạng khớp, teo cơ, cứng khớp,…
  • Các cục u (hạt tophi– các muối urat lăng đọng) xuất hiện ở sụn vành tai, ở phần mềm cạnh khớp, ở quanh khớp (ngón chân, khuỷu tay, cổ chân, ngón tay, gối,…) lòng mạch máu
  • Urat lắng đọng rải rác ở các tổ chức thận gây sỏi thận, suy thận.

    Biến chứng của gout

    Biến chứng của gout

Điều trị bệnh gout

Khi thấy các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh gout, bạn nên đến cơ sở y tế để được chuẩn đoán chính xác. Để xác định bệnh gout, bác sĩ sẽ dựa vào nồng độ acid uric máu, xét nghiệm dịch khớp, chụp CT phát hiện các tinh thể urat cùng các biểu hiện lâm sàng như viêm khớp, đỏ ở khớp, đau khớp, …

Mục tiêu điều trị:

Mục tiêu khống chế các đợt viêm khớp gout cấp, làm hạ và duy trì acid uric máu ở mức cho phép, kiểm soát tốt các bệnh kèm theo, các thuốc được sử dụng:

  • Các loại thuốc khống chế các đợt viêm khớp cấp: chủ yếu là nhóm thuốc giảm đau chống viêm nhằm giúp người bệnh dễ chịu hơn, giảm các triệu chứng sung viêm, tẩy đỏ, ..
  • Các thuốc làm hạ và duy trì acid uric máu ở mức cho phép, ngăn ngừa sự xuất hiện các cơn đau gout, chủ yếu sử dụng sau khi có cơn gout cấp.

Khi cơn đau gout cấp tấn công, bệnh nhân sẽ sử dụng thuốc trên nhằm giảm đau nhanh, dễ chịu hơn. Tuy nhiên, bạn không được tự ý sử dụng thuốc khi chưa được bác sĩ chỉ định.

Lời khuyên chuyên gia:
Thực phẩm không dành cho bệnh gout

Thực phẩm không dành cho bệnh gout

Nhằm kiểm soát nồng độ acid uric máu, kiểm soát cơn gout cũng như các bệnh kèm theo thì chuyên gia khuyên bạn nên thực hiện lối sống, sinh hoạt khoa học:

  • Chế độ ăn lành mạnh, hợp lý: Bổ sung nhiều rau xanh, thực phẩm nhiều vitamin C, hạn chế đồ ăn chứa nhiều purin như thịt bò, tôm, nội tạng động vật… Uống nhiều nước (2-4 lit/ngày). Hạn chế uống rượi bia, nước ngọt có ga
  • Giảm cântập thể dục đều đặn
  • Tránh các yếu tố làm khởi phát cơn gout cấp như stress chấn thương,…

 

 

 

1 Comment

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Menu