Tìm hiểu về tóc để chăm sóc tốt hơn

Một mái tóc khô, rối, nhiều gàu và đầy hư tổn khiến chúng ta thiếu tự tin trong các mối quan hệ xã hội. Vậy bạn có thực sự hiểu rõ mái tóc mình? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu những kiến thức cơ bản về tóc và chăm sóc chúng ra sao!

Tóc có kết cấu ra sao?

Tóc là một bộ phận có cấu trúc dạng sợi mảnh như chỉ. Thành phần chính của tóc là chất sừng (keratin) chiếm đến hơn 70%. Các thành phần khác của tóc là chất béo, hydrat carbon, nước, vitamin và các khoáng chất khác.

Cấu trúc của tóc được chia làm 2 phần riêng biệt:

Nang tóc: Là phần tóc nằm sâu trong da đầu, có hình quả lê. Nang tóc là nơi để tóc đi lên khỏi da đầu, bao lấy gốc tóc và lấy chất dinh dưỡng từ mao mạch. Đặc biệt trong nang tóc sản sinh ra chất màu là melanin, tóc càng phát triển dần đi lên thì melanin cũng dần đưa lên trên tóc

Cấu tạo tóc

Thân tóc: Là phần tóc nằm trên da đầu. Các tế bào từ nang tóc đẩy lên, chết đi và rắn lại chính là thân tóc. Tính từ ngoài vào trong, thân tóc được chia làm ba phần: Biểu bì, vỏ và lõi

  • Biểu bì: là lớp ngoài cùng của thân tóc, gồm những vẩy bao trùm thân tóc. Lớp biểu bì này có vai trò bảo vệ sợi tóc, ngăn thấm nước và giữ ẩm cho tóc.
  • Vỏ: Là phần chính của tóc, gồm nhiều bó sợi hình thành mà thành phần chính là các dạng khác nhau của keratin. Vỏ giữ cho mái tóc chắc khỏe và quyết định màu sắc của tóc là đen, vàng, đỏ hay nâu.
  • Lõi: Là trung tâm của tóc chứa các hạt chất béo và không khí

Tóc thường được bôi trơn bởi dầu sinh ra từ tuyến chất nhờn bên cạnh tóc. Hoạt động này giúp tóc ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn và làm tóc mềm mại, tránh giòn gãy rụng. Lượng dầu sinh ra được xác định bởi di truyền.

Chu kỳ tồn tại của tóc

Mỗi sợi tóc đều trải qua 3 giai đoạn từ khi bắt đầu hình thành đến lúc rụng đi:

Pha gia tăng (Anagen):

Tóc bắt đầu hình thành và phát triển mạnh. Khoảng thời gian ở pha này thường kéo dài 3-7 năm, chiếm khoảng 85% thời gian phát triển của tóc. Không có gì có thể ngăn cản sự phát triển của nang tóc ở giai đoạn này trừ đốt cháy hoặc thành sẹo. Sử dụng thuốc ung thư sẽ tạm thời làm tóc không mọc lên, tóc sẽ mọc lại khi ngừng sử dụng thuốc. Độ dài pha này quyết định thời gian tóc lớn lên và rụng.

Trung bình 1 tháng tóc sẽ dài ra 1 cm

Pha trung gian (Catagen):

Pha Catagen kéo dài 2-4 tuần trong da đầu. Sự phát triển ở nang tóc dừng lại, lớp vỏ bên ngoài co lại và bám vào chân tóc

Pha rụng (Telogen):

Telogen là giai đoạn nghỉ, thường kéo dài 3-4 tháng. Trong giai đoạn này, nang lông được nghỉ ngơi hoàn toàn, sợi tóc thể bị kéo ra khi chải tóc. Nếu sợi tóc già chưa rụng, nó sẽ được đẩy ra bởi sợi tóc mới lớn lên bên dưới

Sự rụng tóc là quá trình bình thường của sự thay thế tóc cũ bằng tóc mới. Mỗi ngày khoảng 25-100 sợ telogen được rụng theo sinh lý.

Mỗi nang tóc có thể sinh nhiều tóc qua cả một cuộc đời: khoảng 20 lần

Các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển của tóc

Các chất dinh dưỡng và khoáng chất

Cũng như các bộ phận khác tóc cũng cần nhiều chất dinh dưỡng và khoáng chất để phát triển và chắc khỏe. Sự thiếu hụt kẽm có thể làm tóc chậm mọc, rụng nhiều và lắm gàu. Sự thiếu hụt vitamin có thể gây ra hiện tượng tóc yếu, rụng nhiều, mọc chậm và dễ gãy

Vai trò của vitamin với tóc

Hormon

Chu trình tồn tại của tóc bị ảnh hưởng nhiều bởi hormone.

  • Hormon tuyến giáp tăng tốc độ tăng trưởng của nang tóc
  • Hormon nam (Testoreron) điều chỉnh sự tăng trưởng tóc, độ dày của thân tóc
  • Hormon nữ (Oestrogen) làm chậm sự tăng trưởng tóc trong thời kì gia tăng, nhưng cũng kéo dài thời gian của thời kì đó

Sự cân bằng hormone nam và nữ trong cơ thể sẽ quyết định sự tăng trưởng của tóc.

Tuổi tác

Số lượng nang tóc hoạt động ở người trung niên (30-50 tuổi) giảm đi 30 đến 50%. Điều này có liên quan đến sự thay đổi hormone nam và nữ. Tóc sẽ thưa hơn và tuyến nhờn giảm tiết dầu ở nữ giới

Ở người già, chu trình tóc sẽ ngắn hơn, nang tóc dần dần không sản sinh tóc mạnh mẽ, những sợi tóc trở nên mỏng và ngắn hơn.

Sự xuất hiện tóc bạc là do số lượng melanin giảm đi, không gian lõi thân tóc rộng ra.

Người già: tóc thưa dần, nhiều tóc bạc

Các vấn đề về tóc thường gặp phải

Rụng tóc

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc rụng tóc:

  • Rụng tóc tự nhiên:  Là tình trạng tóc rụng nhiều dần theo tuổi.
  • Yếu tố di truyền: Một số gen quy định tính trạng hói đầu có thể di truyền từ bố mẹ sang con cái họ
  • Rối loạn nội tiết tố: Testoteron đóng vai trò chính trong điều chỉnh sự tăng trưởng của tóc, do đó khi rối loạn hormone này sẽ dẫn đến rụng tóc
  • Tình trạng stress kéo dài, căng thẳng, lo âu có thể dẫn đến rụng tóc tạm thời
  • Dùng các chất có hại cho tóc như thuốc nhuộm, chất khử tẩy trắng tóc, … có thể làm tóc yếu đi, dễ gãy rụng.
  • Các tác động nhiệt do uốn, duỗi tóc hay do tác động của gió và mặt trời sẽ làm lớp biểu bì bị hư hại, tóc yếu đi
  • Một số bệnh lý như thiếu máu, suy giáp, cường giáp, lupus ban đỏ có thể gây ra rụng tóc
  • Thiếu dưỡng chất, các loại vitamin, kẽm, đồng,…

Một số biện pháp đơn giản cải thiện tình trạng rụng tóc, chăm sóc tóc

  • Giải tỏa lo âu, căng thẳng
  • Hạn chế sử dụng rượu bia, hút thuốc
  • Hạn chế các tác động từ hóa chất, nhiệt, gió và mặt trời
  • Tránh thức khuya
  • Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng và khoáng chất

Nếu sử dụng các biện pháp mà tình trạng rụng tóc vẫn không cải thiện thì để biết chính xác tình trạng rụng tóc và cách khắc phục nên đi khám da liễu

Gàu

Gàu là do các tế bào chết từ da đầu bong ra. Nguyên nhân dẫn đến nhiều gàu:

  • Da dầu khiến gàu kết dính với nhau
  • Các sản phẩm chăm sóc tóc, tạo kiểu khiến da đầu nhạy cảm, tạo nhiều tế bào chết
  • Một số bệnh lý như viêm da tiết bã, vảy nến, chàm

Hầu hết gàu đều có thể kiểm soát nếu điều trị kiên trì và đúng cách. Trong trường hợp gàu nhẹ thì nên sử dụng dầu gội thường xuyên nhằm hạn chế dầu và tích tụ tế bào chết. Nếu trường hợp gàu nặng hơn nên sử dụng các dầu gội đặc trị gàu như dầu gội chứa Zinc pyrithione, Selenium Sulfide

Tóc xơ rối

Tóc xơ rối

Nguyên nhân:

  • Sử dụng chất tẩy rửa mạnh hay nhiều lần khiến tóc mất đi lớp dầu tự nhiên ở biểu bì
  • Sử dụng các hóa chất có hại cho tóc như thuốc nhuộm, thuốc uốn, thuốc tẩy khiến mất đi lớp bảo vệ của tóc, tóc mất nước dẫn đến khô, xơ
  • Các tác động nhiệt do uốn, duỗi tóc hay do tác động của gió và mặt trời
  • Thiếu dưỡng chất, các loại vitamin, khoáng chất

Giải pháp đơn giản giúp tóc hết xơ rối:

  • Gội đầu vừa phải. Tóc nên rửa sạch bụi bẩn 2-4 lần/tuần.
  • Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng và khoáng chất chăm sóc cho tóc
  • Gội đầu bằng những dầu gội chuyên dụng cho tóc khô xơ, hạn chế nhiều hóa chất lên tóc
  • Nên sử dụng dầu xả dưỡng ẩm sau khi gội đầu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Menu